Thủ tướng 10 ngày Nguyễn Bá Cẩn

Tháng 3 năm 1975, sau khi quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiểm soát được hầu hết miền Trung và cao nguyên, trước áp lực của Hoa Kỳ đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ sâu rộng thành phần chính phủ để ổn định nội tình Miền Nam và có đủ sức mạnh để đối thoại với phía Cộng sản, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông ra nắm chức vụ Thủ tướng, thay cho thủ tướng đương nhiệm là Trần Thiện Khiêm vừa từ chức.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, ông trình danh sách Nội các với danh xưng "Chính phủ Đoàn kết Quốc gia" lên Tổng thống Thiệu. Ông Cẩn đứng đầu Nội các có nhiều chuyên viên và chính trị gia được xem là “mạnh” nhiều lần hơn so với các nội các của Sài Gòn trước đó.

và nhiều Tổng trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn khác như Thẩm phán Huỳnh Đức Bửu, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Kỹ sư Đoàn Minh Quan, Kỹ sư Nguyền Hữu Tân, Nguyễn Quang Diệp.

Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau, khi phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ, ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức, nhường quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Chính phủ sụp đổ và đến ngày 25 tháng 4, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cũng đệ đơn xin từ chức lên tân tổng thống nhưng được yêu cầu xử lý thường vụ đến khi có thủ tướng mới.

Những giờ phút cuối cùng trong chức vụ của mình, ông đã tường thuật lại trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Hạnh Dương như sau:

"Vấn đề Việt Nam lúc bấy giờ là một ván bài chung của Hoa Kỳ và Pháp. Họ đã nhúng tay vào và đã sắp đặt tất cả. Họ buộc chúng ta phải đầu hàng, phải bàn giao nguyên trạng. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, theo Hiến pháp, ông đã bàn giao cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên làm Tổng thống. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, tôi từ chức Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, nhưng Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu tôi phải ở lại tiếp tục xử lý thường vụ cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975 để chờ tân chính phủ."..."Sáng ngày 27 tháng 4 năm 1975, tôi dự phiên họp khẩn cấp và kín với Tổng thống Trần Văn Hương tại tư dinh dành cho Phó Tổng thống để thảo luận về việc Hoa Kỳ, Pháp và Cộng sản Bắc Việt buộc phải bàn giao cho tướng Dương Văn Minh. Tôi đã trình Tổng thống Trần Văn Hương rằng nếu Tổng thống tự động bàn giao cho tướng Minh thì sau nầy ngàn đời lịch sử sẽ oán trách Tổng thống! Tôi đề nghị Tổng thống Trần Văn Hương là nên trao lại quyền cho Lưỡng viện Quốc hội quyết định. Nếu Quốc hội đồng ý cho bàn giao thì Tổng thống sẽ bàn giao cho ông Dương Văn Minh và như thế Tổng thống tránh được hành động vi hiến."'..."Phiên họp kết thúc lúc 12 giờ trưa. Tôi vừa trở về đến dinh Thủ tướng vào lúc 12 giờ 15 thì Đại sứ Martin của Hoa Kỳ đã gọi điện thoại nói với tôi rằng "Đêm 26 tháng 4 năm 1975, Cộng sản Bắc Việt bắn hỏa tiễn vào trung tâm Sài Gòn là để cảnh cáo mà thôi. Nay Cộng sản Bắc Việt đã dàn sẵn 20 sư đoàn quanh Sài Gòn rồi và Bắc Việt đòi buộc phải bàn giao chức Tổng thống cho ông Dương Văn Minh, bất cứ người nào khác đều không được chấp thuận, và buộc phải bàn giao trước 12 giờ khuya ngày 27 tháng 4 năm 1975, nếu không thì Bắc Việt sẽ pháo kích bình địa Sài Gòn. Vậy xin Thủ tướng hãy giúp Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm triệu tập phiên họp Lưỡng viện Quốc hội khẩn cấp."..."Tôi đã chỉ thị cho hệ thống truyền thanh và truyền hình Sài Gòn cứ phát nhạc hùng và vài phút đọc lệnh triệu tập Lưỡng viện Quốc hội một cách khẩn cấp. Nhờ đó mà đêm 27 tháng 4 năm 1975 có đủ túc số hợp lệ, tức là quá bán tổng số 159 vị Dân biểu và 60 vị Nghị sĩ đã họp mặt để quyết định có đồng ý hay không việc trao quyền hành cho tướng Dương Văn Minh theo như Cộng sản Bắc Việt đã yêu cầu, nếu không thì Sài Gòn sẽ bị tấn công bình địa. Lưỡng viện Quốc hội đã biểu quyết chấp thuận và chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975 thì Tổng thống Trần Văn Hương đã trao lại chức vụ Tổng thống cho cựu Đại tướng Dương Văn Minh."[3]

Sau khi Tổng thống Trần Văn Hương từ chức và trao quyền Tổng thống cho tướng Dương Văn Minh, cựu ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu được mời ra giữ chức vụ thủ tướng. Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn chính thức rời khỏi chức vụ. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam Cộng hòa vẫn không thể vãn hồi. Chỉ 2 ngày sau, tướng Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính thể Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn sụp đổ.